Theo dòng thời gian, Côn Đảo dần chuyển mình từ “địa ngục trần gian”, một nhà tù “một đi không trở lại”, vươn mình trở thành một trong những thiên đường du lịch và nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất Việt Nam. Với vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn nhưng vô cùng tuyệt mỹ, Côn Đảo thực sự là một “chốn thần tiên” với biển trời bao la rộng lớn và không khí trong lành hiếm có.
Theo dòng thời gian, Côn Đảo dần chuyển mình từ “địa ngục trần gian”, một nhà tù “một đi không trở lại”, vươn mình trở thành một trong những thiên đường du lịch và nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất Việt Nam. Với vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn nhưng vô cùng tuyệt mỹ, Côn Đảo thực sự là một “chốn thần tiên” với biển trời bao la rộng lớn và không khí trong lành hiếm có.
- Cầu tàu 914 lịch sử: Nằm tại bãi biển chính của Côn Đảo, con số 914 được đặt tên tương ứng với số tù nhân đã ngã xuống vì núi lở, đá đè, kiệt sức, chết vì đòn roi khi chuyển đá, kè đá dọc con đường ven biển. Đây là một trong những điểm tham quan lịch sử mà các bạn nên ghé thăm để hiểu hơn về sử Việt. - Hệ thống nhà tù Côn Đảo – Địa ngục trần gian: Cùng với nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo là nơi giam giữ các chiến sĩ cộng sản, những sĩ phu yêu nước, những nhà cách mạng nổi tiếng qua các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bên dưới là 3 điểm tham quan nổi tiếng nhất trên đảo còn tồn tại đến nay:
+ Trại Phú Hải: là trại giam lớn và cổ nhất Côn Đảo. Bao gồm những hoạt động tra tấn và các phòng lao động khổ sai nhằm tra tấn, bóc lột tù nhân như: hầm đá, hầm xay lúc, khu đập đá, phòng giam đặc biệt chuyên dùng để tra tấn tù nhân. Đây cũng là nơi chiến sĩ yêu nước Phan Châu Trinh sáng tác bài thơ nổi tiếng “Đập đá ở Côn Lôn” (Côn Đảo trước thế kỷ XX thường được gọi là Côn Lôn). + Trại giam Phú Tường (chuồng cọp kiểu Pháp): Nổi tiếng với 120 phòng giam có chắn song sắt phía trên, 60 phòng giam không mái che. Khu biệt giam này được giấu kín hoàn toàn cho đến năm 1970, khi được phát hiện và phơi bày đã gây chấn động và bàng hoàng đối với dư luận quốc tế. Đi tới đây, mọi người không khỏi bàng hoàng với những mô hình quân đội đang dùng gậy tra tấn tù nhân từ bên trên, ngoài việc đổ nước chúng còn rắc vôi bột lên những tù nhân có dấu hiệu phản đối. + Trại giam Phú Bình (chuồng cọp kiểu Mỹ): Có đầy đủ các hạng mục như giảng đường, bệnh xá, nhà thờ, nhà bếp, nhà ăn. Tuy nhiên, tất cả đều được dựng lên để đối phó với các đoàn giám sát quốc tế về nhân quyền và đánh lừa dư luận, tử tù chưa bao giờ được chúng cho dùng các khu vực này. Đặc trưng là các “chuồng cọp” với diện tích 5m2, nhốt khoảng 8 – 10 tù nhân, thường xuyên không đổ thùng vệ sinh khiến nhà giam biến thành nhà cầu. - Bảo tàng Côn Đảo: được xây dựng cuối năm 2009, nơi lưu giữ các kỉ vật lịch sử, minh chứng cho thời bi tráng và hào hùng của dân tộc. Được sắp xếp theo 4 chủ đề lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử của Côn Đảo, từ thời xa xưa tới ngày nay. Đặc biệt, là nơi lưu giữ, ghi chép cuộc sống, sinh hoạt, học tập, sự mất mát, hi sinh to lớn của các anh hùng dân tộc qua các thời kỳ. Các bạn nhớ mang theo khăn giấy, khăn tay khi ghé thăm bảo tàng vì chắc chắn sẽ tốn nhiều nước mắt xúc động bởi những hy sinh của các chiến sĩ thời kháng chiến đấy. - Nghĩa trang Hàng Dương: Đây là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo, diện tích khoảng 20 ha, là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài 113 năm (từ 1862 đến 1975). Nghĩa trang Hàng Dương là một di tích có giả trị tố cáo chế độ thực dân, đế quốc đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Dù sao với mỗi chuyến đi, phần cần thiết và quan trọng không kém du lịch, vui chơi là ăn uống. Ở Côn Đảo chắc chắn sẽ không đa dạng các lựa chọn như những nơi du lịch nổi tiếng và sầm uất khác, nhưng cũng có một số lựa chọn cho bạn trải nghiệm: - Hải sản: Dọc đường Phạm Văn Đồng có các nhà hàng hải sản tươi sống, tuy nhiên giá chơi đắt, bạn nên cân nhắc xem giá trước khi gọi kẻo ‘cháy túi’. Nếu vẫn muốn ăn hải sản ngon nhưng tiết kiệm thì các bạn nên tham khảo người dân trên đảo trước. Ngoài ăn hàng, các bạn cũng có thể dạo qua chợ Côn Đảo mua hải sản (chỉ khoảng 500k/2 người) về tự nấu trong khách sạn, chắc chắn rẻ và tiện lợi. - Chè: Trên đường Phạm Văn Đồng có nhiều quán chè ngon mà bạn có thể thưởng thức. Giá khoảng: 30k/bát - Mứt hạt bàng: Đặc sản Côn Đảo được bán khắp nơi trên đảo, với nhiều loại: rang muối, đường lá rứa, sa tế, gừng. Giá dao động từ 300k – 350k/kg. Các bạn có thể mua loại đóng sẵn hoặc mua số lượng ít hơn để ăn vặt và làm quà.
- Bún riêu Hai Khiêm: Nhà hàng tọa lạc ở 21 Nguyễn Huệ, khá ngon với mức giá rẻ bất ngờ: 25k/tô thường, 30k/ tô đặc biệt.
Ở thị trấn Côn Đảo, bạn có 2 cung đường chính để khám phá toàn bộ đảo: Một là đi về phía cảng Bến Đầm, hai là đi về phía sân bay. Trên mỗi cung đường sẽ có các điểm danh lam thắng cảnh, bến, đầm, vịnh để các bạn thỏa thích khám phá. Thời gian tuyệt nhất để di chuyển là sáng sớm và hoàng hôn để thỏa thích ngắm cảnh và chụp hình sống ảo. Bên dưới là một số gợi ý tham quan trên đảo mà bạn nên lưu lại: - Bãi Đầm Trầu: Đây là một trong những bãi tắm đẹp nhất tại Côn Đảo, cách thị trấn khoảng 30 phút lái xe. Bãi tắm đặc trưng với bãi cát vàng, xốp, mịn và hoang sơ, yên tĩnh. Các bạn thỏa thích tắm biển và sống ảo mà không cần xếp hàng.
- Vịnh Đầm Tre: Cách sân bay Côn Đảo 3km. Vịnh đẹp với không khí trong lành, kín gió. Có thể tắm và lặn, chụp ảnh thỏa thích.
- Bãi An Hải: Cách thị trấn 5’ đi xe, do được bao bọc bởi các dãy núi nên nước biển ở đây rất trong xanh, mát mắt. Đây cũng là bãi tắm đẹp cho bạn sống ảo và vui chơi. - Mũi Cá Mập: Đây là địa điểm đón bình minh đẹp mê mẩn tại Côn Đảo. Hoàng hôn ở đây cũng khiến bao bạn trẻ mê đắm với những dải nắng yếu trải dài trên từng con đường, mõm đá,… sống ảo ở đây chắc chắn sẽ có những tấm hình ‘nghìn like’.
- Hồ sen An Hải: Đây là nơi check in sống ảo siêu nổi tiếng ở Côn Đảo, cách thị trấn 10’ đi xe. Ở đây có con đường nhỏ chạy giữa 2 hồ, nếu may mắn ghé Côn Đảo vào mùa hoa sen nở (cuối tháng 4 đầu tháng 5), bạn sẽ cảm nhận được hương sen thơm mát cả con đường.
- Chùa Núi Một (hay còn gọi là Vân Sơn Tự): được ví là ngôi chùa có phong thủy đẹp nhất Việt Nam, hướng ra biển, yên lành và tĩnh lặng, trước chùa chính là hồ sen An Hải. Từ chùa, có thể ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Côn Đảo, Vịnh Côn Sơn và hồ An Hải.
- Miếu bà Phi Yến (hay còn gọi là An Sơn Miếu): là nơi thờ phụng bà Phi Yến, tên thật là bà Lê Thị Răm, vợ thứ của chúa Nguyễn Ánh. Đây là một trong những địa điểm nhiều người quan tâm khi lên đảo nhất.
- Cảng Bến Đầm (Côn Đảo) – thị trấn Côn Đảo: mọi người có thể lựa chọn mua vé xe bus (40k/người) ngay trên tàu Superdong, hoặc đi xe khách (40k/người) hay đi taxi. - Thị trấn Côn Đảo: Taxi tại Côn Đảo khá đắt nên các bạn có thể thuê xe máy ngay tại các khách sạn để tiện vi vu khám phá đảo. Giá thuê xe máy: Xe số 100k/ngày, xe ga 120k/ngày. Lưu ý: Luôn mang theo mũ bảo hiểm và không cần khóa cổ xe trong mọi trường hợp nhé, an ninh trên đảo cực tốt.
Thời tiết Côn Đảo có 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 05 - 11; Mùa khô từ tháng 12 – 04 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm ở Côn Đảo là 26,9°C. Tháng 5 oi bức, có lúc nhiệt độ lên đến 34 °C, nhưng vẫn mát mẻ hơn rất nhiều so với các tỉnh thành trong đất liền. Côn Đảo nằm ở vùng giao nhau giữa luồng hải lưu ấm từ phía nam và luồng hải lưu lạnh từ phía bắc khiến cho nhiệt độ nước biển luôn dao động ở mức từ 25,7 °C đến 29,2 °C.
Côn Đảo đẹp nhất vào tháng 03 – tháng 09, khi nhiệt độ ở mức hoàn hảo, trời nắng đẹp và nguồn hải sản phong phú, tạo điều kiện tốt cho mọi người tham quan, nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động biển.