Offenbar hast du diese Funktion zu schnell genutzt. Du wurdest vorübergehend von der Nutzung dieser Funktion blockiert.
Offenbar hast du diese Funktion zu schnell genutzt. Du wurdest vorübergehend von der Nutzung dieser Funktion blockiert.
Năm 2021 vừa qua được Trung ương Đoàn lựa chọn là năm "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp", anh có thể phân tích thêm về chủ đề mang tính hiệu triệu, hướng đến mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế đất nước này?
Khi bàn về chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2021, các ủy viên Ban Chấp hành thống nhất cao với chủ đề công tác năm là: "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp". Bởi việc lựa chọn chủ đề "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp" thể hiện rõ tính hành động của Đoàn, của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; tham gia hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn 2025, 2030, 2045 trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng ngay ở năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết. Khẳng định sự đồng hành của tổ chức Đoàn với thanh niên.
Lựa chọn chủ đề này không chỉ lan tỏa sâu rộng tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, thôi thúc các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh phong trào thanh niên khởi nghiệp, mà còn truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên tự tin trong lao động, sản xuất, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng lớn tới nghề nghiệp, việc làm cho người lao động, trong đó, thanh niên là một trong những đối tượng bị tác động mạnh, chiếm phần lớn, do đó Ban Chấp hành thống nhất cao với chủ đề "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp" để các cấp bộ Đoàn tập trung định hướng, triển khai các nội dung hỗ trợ thanh niên phục hồi và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên, thúc đẩy tạo ra những kết quả đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2021.
Anh có thể cho biết, các cấp bộ Đoàn, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp như thế nào?
Trong thời gian qua, Trung ương Đoàn đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp.
Về đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp: Các hoạt động tuyên truyền về khởi nghiệp được triển khai đa dạng trên các kênh truyền thông, công tác bồi dưỡng tập huấn kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên triển khai đồng bộ ở các cấp bộ Đoàn. Các hoạt động tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp, kết nối thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp với nhà đầu tư được nhiều đơn vị tổ chức. Đoàn đã đẩy mạnh truyền thông và nhân rộng các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công và thanh niên làm kinh tế giỏi để nâng cao nhận thức về khởi nghiệp trong thanh niên.
Trung ương Đoàn đã thành lập trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhiều tỉnh, thành Đoàn đã hình hành được bộ phận phụ trách khởi nghiệp, tổ chức tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp. Đoàn thanh niên đã tổ chức các diễn đàn, đề xuất hoàn thiện các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế. Công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế được đoàn thanh niên triển khai hiệu quả.
Nhiều tỉnh, thành Đoàn đã huy động nguồn lực thành lập quỹ để tăng nguồn vốn vay cho thanh niên, như Quỹ đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Dư nợ của Đoàn thông qua Chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm qua Trung ương Đoàn liên tục gia tăng.
Về đồng hành, hỗ trợ thanh niên trong lập nghiệp: Công tác tư vấn hướng nghiệp cho thanh thiếu niên được đoàn thanh niên các cấp quan tâm thực hiện hiệu quả trong đối tượng học sinh THPT, học sinh lớp 9 với nhiều hình thức đa dạng, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thanh niên, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên hoạt động hiệu quả, tổ chức các "Ngày hội việc làm", "Ngày hội tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm" cho các đối tượng thanh niên tiếp cận với các nhà tuyển dụng.
Các cấp bộ Đoàn tập trung duy trì và phát triển mô hình dạy nghề tại chỗ; mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển cả số lượng và chất lượng. Các mô hình CLB thanh niên khởi nghiệp, CLB thanh niên làm kinh tế, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác "Thanh niên làm kinh tế", "Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế" đã phát huy hiệu quả. Hoạt động tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền được chú trọng triển khai.
Bên cạnh việc đào tạo nghề cho thanh niên thì lựa chọn cơ cấu ngành nghề hợp lý và phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển của các địa phương được đặt ra như thế nào, thưa anh?
Nhu cầu của thị trường và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, quốc gia là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc giáo dục, đào tạo và lựa chọn ngành nghề cho thanh niên.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với cốt lõi là chuyển đổi số sẽ khiến một số ngành nghề bị mất đi nhưng cũng tạo ra nhiều ngành nghề mới. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hay công nghiệp văn hóa hiện còn rất nhiều không gian phát triển tại Việt Nam do đó sẽ tạo ra nhiều lĩnh vực ngành nghề mới, công việc mới cho thanh niên thay thế cho một số loại hình công việc truyền thống.
Nhiều địa phương tại Việt Nam, căn cứ thực tiễn phát triển của đất nước cũng đã xây dựng, điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh, đẩy mạnh tỷ trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ thay cho nông nghiệp truyền thống, vì vậy cũng đỏi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao tương ứng với sự điều chỉnh chiến lược phát triển này.
Qua những phân tích nêu trên, có thể nói bên cạnh việc đào tạo nghề cho thanh niên như hiện nay thì việc định hướng, hỗ trợ thanh niên lựa chọn cơ cấu ngành nghề hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển của các địa phương là hết sức quan trọng. Đây là một nhiệm vụ mà tổ chức Đoàn xác định sẽ cần tiếp tục tập trung phối hợp với các bộ, ngành, đối tác liên quan triển khai để giúp thanh niên nhận biết xu hướng nghề nghiệp trong tương lai; nuôi dưỡng lòng đam mê nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức, nền tảng tư duy, tác phong nghề nghiệp tốt đồng thời cũng trang bị đầy đủ, kịp thời thông tin, tri thức, kỹ năng phù hợp với ngành nghề mà mình lựa chọn.
Nhiều đoàn viên, thanh niên đã lựa chọn con đường khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh trên chính mảnh đất quê hương chứ không còn đặt giấc mơ nơi đô thị lớn nữa. Tổ chức Đoàn cơ sở đã góp phần định hướng các trường hợp này ra sao?
Tổ chức Đoàn thanh niên các cấp luôn khuyến khích, hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên trên con đường lập nghiệp, khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.
Các cấp bộ Đoàn đã triển khai hiệu quả các chương trình định hướng, cung cấp thông tin về những lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những ưu đãi, hỗ trợ của địa phương để thanh niên căn cứ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công việc hiện có nghiên cứu, quyết tâm lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp và khởi sự kinh doanh tại mảnh đất quê hương.
Khi thanh niên mới bắt đầu sản xuất kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp sẽ gặp phải rất nhiều thách thức như không có kiến thức về quản trị doanh nghiệp, thiếu vốn, công nghệ, thiếu hiểu biết về pháp luật liên quan đến kinh doanh, thiếu kinh nghiệm tiếp thị sản phầm chưa có đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Để hỗ trợ thanh niên vượt qua những thách thức trên, các cấp bộ Đoàn đã triển khai các chương trình đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế như tổ chức các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp, các khóa đào tạo nâng cao kiến thức kinh doanh; hỗ trợ chuyển giao công nghệ; hỗ trợ thanh niên lập hồ sơ vay vốn, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế thành công; thành lập các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên làm kinh tế; tập huấn, đào tạo kiến thức về tiếp thị sản phẩm, đặc biệt là thương mại điện tử cho thanh niên.
Nhiều tỉnh, thành Đoàn đã thành lập đơn vị chuyên trách hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương như "Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp", hay "Vườn ươm thanh niên khởi nghiệp" để tổ chức tư vấn và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Những nỗ lực trên của các cấp bộ Đoàn đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ thanh niên ở lại hoặc quay về địa phương sau khi tốt nghiệp để làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp. Chúng tôi xác định đây là một nội dung cần phải kiên trì, bền bỉ triển khai và còn nhiều mặt cần tiếp tục làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn trao quà cho các bác sĩ trong Chương trình "San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch".